Cù Lao Chàm Du Kí

Sau khi đắn đo suy nghĩ là nên đi Cù Lao Chàm từ thành phố Đà Nẵng hay đi từ Hội An khi lên lịch trình ‘’ta ba lô’’, tôi quyết định đăng kí tour đi về trong ngày từ Hội An để rút ngắn thời gian đi tàu.
Ở bến tàu đi Cù Lao Chàm, chú hướng dẫn viên bảo trên đảo cấm sử dụng bọc ni-lông để bảo vệ môi trường đảo. Thế là tụi tui phải mua túi vải ở quán nước ngay trước bến tàu để thay cho cái bọc ni-lông đựng chai nước uống và ít trái cây. Khi đến đảo, tôi thật không ngờ hòn đảo sạch ơi là sạch, không một miếng bọc mủ và không khí rất tinh khiết.

Bãi biển cát trắng mịn

Tính tôi hay tò mò, đi tới đâu là hỏi tới đó. Tôi hỏi thăm chú hướng dẫn viên già đầy kinh nghiệm, chân đi khập khiễng vì khuyết tật. Chú bảo đời sống nhân dân trên đảo chỉ nhờ vào mấy tàu đánh cá, không hưởng được mấy từ dịch vụ du lịch trên đảo vì tiền thu từ du lịch trên đảo do các công ty du lịch ăn chia hết rồi. Chú nói nếu khát nước thì nhớ mua nước ủng hộ các cô trên đảo. Ly nước mát từ lá rừng hái trên đảo ngọt thanh và mát lạnh. Đường đi lên ngôi chùa cổ rất nhiều cô bán nước ngồi dọc hai bên lối đi chào mời khách. Tôi nói với một cô bán nước là sẽ mua khi quay trở xuống. Nhưng khi trở xuống thì chú hướng dẫn viên dắt đoàn đi đường khác để ngắm đảo nên lòng tôi thấy áy náy vì không ủng hộ cô bán nước được.

Con đường mòn lên chùa 

Điều tôi bất ngờ là chú hướng dẫn viên từng là giáo viên dạy tiếng Anh ở một trường cấp hai. Nhưng do thời đó chú có bốn đứa con đang tuổi học hành và không mặn mà với nghề giáo nên chú chuyển sang làm hướng dẫn du lịch. Chú nói chú rất vui với nghề vì vừa được đi đây đó gặp gỡ đủ mọi loại người, vừa giới thiệu vẻ đẹp Quảng Nam với bạn bè trong và ngoài nước. Kiến thức của chú rất rộng, tôi nghe mà đã lỗ tai.

Sau khi tham quan bảo tàng trưng bày sinh vật biển và giếng chùa, đoàn thay đồ đi lặn biển ngắm san hô. Trong đoàn có khoảng dưới 15 người gồm ta lẫn tây, các bạn ta thì lo đi thay đồ, còn các bạn tây thì ung dung ngồi ngắm biển trời, bọt nước. Tôi hỏi một bạn gái tây từ Mỹ, ‘’Sao tụi bây không đi thay đồ?”. Bạn nhìn tui cười bảo “Tụi tao không cần thay đồ.” Tôi thấy mình quá ‘’lúa’’, và nhủ rằng lần sau đi biển cũng sẽ mặc như bạn tây cho tiện. Trong khi gái ta xếp hàng chờ thay đồ ở nhà vệ sinh công cộng, thì gái tây chỉ việc cởi cái đầm ngay tại bãi biển và có thể nhảy ngay xuống biển trong bộ đồ tắm hai mảnh xinh đẹp. Sau khi bơi, lặn hụp ngắm san hô xong thì các cô tây lên tàu lấy khăn tắm choàng quanh người chặm nước, từ từ để gió biển hông khô bộ bikini rồi mặc lại cái đầm, còn các cô ta thì lên bờ dội lại nước ngọt và thay đồ. Tây, ta khác nhau quá nhỉ. Bạn tây không sợ nắng, không sợ mặn của biển.

Cù Lao Chàm nhìn từ thuyền ta đi

Nói ngắm san hô, chứ tui cũng hụp xuống trồi lên nhưng chẳng ngắm được gì vì cái tội không biết bơi nhưng thích khám phá. Tội nghiệp em giám sát ‘’đội lặn ngắm san hô’’ để bảo đảm an toàn cho khách phải kéo tôi lại gần thuyền vì sóng dập tôi xa dần xa dần. Em than ‘’kéo người không biết bơi nặng quá’’. Nếu không có áo phao thì tui cũng không có gan nhảy xuống biển ngắm san hô đâu. Sau lần lặn ngắm san hô không thành công đó, tôi quyết tâm đi học bơi ở một nhà văn hóa thiếu nhi khi đã qua độ tuổi 30. Khóa học hai tháng và học chung với con nít, nhưng học được một tháng thì tôi nghỉ do một lần vào không chịu nổi cái mùi Chlorine quá nặng. Khi ở tuổi học cấp hai, tôi cùng nhỏ em hết ôm bập dừa, rồi tới bập chuối để học bơi ở con kênh nhỏ sau nhà mỗi khi nước lớn vào buổi chiều, cũng uống nước xình vì bơi chỗ cạn gần bờ. Chắc do tự học và học không đến nơi đến chốn nên tôi không biết bơi. Nghe dân gian truyền miệng nhau rằng nếu cho chuồn chuồn cắn rún/rốn thì sẽ biết bơi. Nhưng tôi chúa sợ đau nên nào dám đưa chuồn chuồn lên bụng mình cho nó cắn rốn. Thành ra tôi chẳng biết bơi dù mang tiếng lớn lên ở vùng sông nước chằng chịt. Giờ thì tui bơi được nhưng không bơi bướm, bơi ếch như người ta, mà bơi nhái. Tôi an ủi mình thôi thì bơi gì cũng được miễn xuống nước không chìm, và có thể hụp xuống đáy biển để ngắm san hô là được.

Những con mực phơi nắng trắng muốt
Sau khi lặn biển ngắm san hô, đoàn quay lại đảo ăn trưa, rồi sau đó sinh hoạt tự do tại bãi biển. Các bạn tây thì phơi mình dưới nắng biển, xong rồi chơi nhảy dù biển. Các bạn ta thì nằm trên ghế dài dưới rặng dừa mát rượi, không dám xuống biển tắm vì trời trưa nắng đổ lửa, sợ đen da. Khi đến giờ đã hẹn, đoàn lên tàu quay về phố cổ Hội An, kết thúc chuyến đi đảo như mong đợi. Trong khi chờ đoàn khách lên tàu, tôi dạo quanh bến tàu, mua quà lưu niệm và thưởng thức mực nướng tươi giòn ăn ghiền không chịu được. Tất cả đồ lưu niệm và thức ăn trên đảo đều được đựng bằng túi giấy. Đây là điều mà tôi thích nhất ở Cù Lao Chàm, và ước gì ở đâu của Việt Nam mình cũng nói không với bọc ni-lông nhỉ.

HNM
Ảnh chụp năm 2016 trong chuyến du lịch miền trung. Chúng tôi, một lũ bạn bốn đứa, lên kế hoạch du lịch bụi miền trung. Bắt chuyến bay từ Sài Gòn đi sân bay Đồng Hới ở Quảng Bình. Sau khi khám phá Quảng Bình, chúng tôi đón xe đò đi Huế. Từ Huế, chúng tôi bắt xe khách chất lượng cao đặt từ một homestay mình ở đi Hội An. Và từ Hội An chúng tôi bắt xe khách đi Đà Nẵng. Sau khi phong lãng ở Đà Nẵng, chúng tôi đáp máy bay về lại Sài Gòn. Đó là một chuyến du lịch vui bổ và rẻ rất mở mang tầm mắt. Vì tự đi nên thích ở đâu thì lưu lại lâu hơn chút xíu và thuê xe honda để 'thực địa' một cách thực tế và chân thật.

Viết ngày 02/03/2018

No comments:

Post a Comment