Làm thế nào để trở thành một công dân toàn cầu

 Chắc hẳn các bạn đã quen với cụm từ ‘công dân toàn cầu’ (global citizen). Vậy bạn có biết công dân toàn cầu là gì không?

Trong bài viết này mình sẽ giới thiệu các bạn về định nghĩa của công dân toàn cầu và làm sao để trở thành một công dân toàn cầu.

Công dân toàn cầu là gì?

Bấy lâu nay, theo mình công dân toàn cầu là người đi hoặc sống ở nhiều quốc gia khác nhau và có tiếp xúc với sự đa dạng về văn hóa, con người và ngôn ngữ. Nhưng mình đã hiểu sai. Công dân toàn cầu là cá nhân có nhận thức và hiểu về thế giới, hay môi trường sống của mình ở mức độ địa phương và mức độ toàn cầu, và đóng vai trò tích cực trong cộng đồng. Họ tạo sự ảnh hưởng cho cộng đồng và chung tay với mọi người góp phần làm hành tinh xanh của chúng ta đẹp hơn, bình an hơn và công bằng hơn. Họ chịu trách nhiệm cho việc mình làm.

Tớ đây, ở Royal Observatory Greenwich trong một chuyến đi du lịch London vào dịp nghỉ hè.
Hè là đi chơi khám phá nước Anh tuyệt đẹp.

Cách trở thành công dân toàn cầu

1.       Có ý thức

Hãy ý thức về quần áo và thức ăn bạn mua. Với công nghệ hiện nay, chỉ cần vài cái nhấp chuột là bạn biết được nguồn gốc của vật mà bạn muốn mua. Khi mua quần áo, mình có thói quen đọc nhãn trên quần áo. Mình muốn biết chất liệu của nó là polyester hay cotton, sản xuất ở Việt Nam hay Trung Quốc, và cách giặt ủi như thế nào để giúp mặc nó bền và lâu hơn. Khi mua thực phẩm, mình ưu tiên hàng Việt (hay cụ thể hơn là hàng địa phương của các doanh nghiệp nhỏ) để giúp nông dân Việt Nam thay vì mua thực phẩm nhập từ nước ngoài.

2.       Nhận thức xung quanh

Đừng lạc mất trong thế giới riêng của mình. Phải biết chuyện gì đang xảy ra trên hành tinh này. Một cách để cập nhật thông tin xung quanh là theo dõi trang Facebook hay Twitter của một cơ quan báo chí nào đó. Thí dụ như bạn theo dõi page của báo Tuổi Trẻ để cập nhật tin tức ở Việt Nam, hay BBC News để cập nhật tin tức thế giới.

3.       Đọc, đọc và đọc

Đọc để mở rộng sự hiểu biết, vốn sống và tầm nhìn.

Đọc ở đây không giới hạn ở đọc tiểu thuyết. Hãy đọc nhiều thể loại khác nhau như lịch sử, địa lý, và hồi ký. Hạn chế đọc hoặc không đọc sách self-help hay sách dạy làm giàu vì nó chẳng giúp ích gì nhiều cho bạn do mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau thì làm sao áp dụng cho mình được.

Nói về việc đọc, mục tiêu đăt ra trong năm 2020 của mình là đọc 20 quyển sách. Nhưng mình đọc chưa được 05 quyển vì mình còn đọc báo mạng và nghe sách nói. Nếu bạn tò mò muốn biết mình đọc sách gì, thì đây là danh sách:

I have life, Waiting for the Barbarians (tác giả JM Coetzee), Back to Angola (tác giả Paul Morris), The Only Way to Do It … is to Do It (tác giả Carmel McConnell), và Anton Rupert.

Nếu bạn di chuyển nhiều thì có thể nghe sách nói. Trên YouTube có hàng ngàn sách nói chờ bạn, với điều kiện là bạn phải biết tựa sách. Một điều thú vị là khi bạn nghe sách này thì sẽ có danh sách sách khác cho bạn nghe. Vậy là danh mục sách bạn nghe sẽ nhiều hơn.

Hai sách nói mình nghe trên YouTube vào tháng 12 này rất ý nghĩa là Animal Farm của Goerge OrwellBinh Pháp Tôn Tử (The Art of War by Sun Tzu).

4.       Học một ngôn ngữ mới

Học một ngôn ngữ mới sẽ mở ra một chân trời mới cho các bạn. Khi biết một ngôn ngữ khác, bạn sẽ biết về một nền văn hóa mới.

Học ngoại ngữ sẽ dể dàng hơn khi bạn có động lực và mục tiêu học. Thí dụ, muốn du lịch nước Nhật thì ban nên học những câu giao tiếp thông dụng bằng tiếng Nhật để chuyến đi của mình thú vị hơn dù cho bạn đi theo đoàn. Không phải mình không tin vào hướng dẫn viên, nhưng mình tự tin hơn và hào hứng về chuyến đi hơn khi mình biết ngôn ngữ của nước mà mình đi.

5.       Du học

Du học là cơ hội tuyệt vời cho bạn tìm hiểu về văn hóa và con người ở nước mà bạn đi học. Việc tiếp xúc với một nền văn hóa mới sẽ thay đổi quan điểm sống và cách nhìn của bạn. Cuộc sống của bạn sẽ như một cầu vồng vì bạn được tiếp xúc với nhiều người từ những nền văn hóa khác nhau.

Tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện để đi học nước ngoài. Lí do là khi du học bạn phải chi trả rất nhiều tiền. Nào là tiền học phí. Nào là tiền chi phí ăn ở. Nếu được, bạn hãy tìm học bổng. Tùy theo khả năng, bạn có thể tìm học bổng bán phần hay toàn phần.

Việc du học sẽ không giúp nhiều cho bạn, trừ việc bạn có tấm bằng nước ngoài, nếu bạn không chịu học hỏi và hòa nhập môi trường mới. Ngày xưa, khi mình đi học theo một học bổng toàn phần của chính phủ Việt Nam ở Scotland, gặp các bạn Việt Nam, bọn mình nói tiếng Anh với nhau vì người này tưởng người kia là Thái hay Trung Quốc. Sau khi trao đổi dăm ba câu, thì tụi mình chuyển sang nói tiếng mẹ đẻ hết. Vậy là cơ hội luyện tiếng Anh bị giảm. Khi đi chợ thì mình cũng không sử dụng tiếng Anh nhiều, trừ việc nói cảm ơn, vì siêu thị bày hàng nên chỉ việc đi lại lấy, không cần hỏi han gì. Ở trọ thì mình ở kí túc xá chung nhà với ba cô gái Trung Hoa nên cơ hội nói tiếng Anh không nhiều vì tụi nó không thân thiện lắm. Bốn đứa dùng chung phòng bếp, và mỗi lần chạm mặt nhau thì chỉ cười xã giao rồi chào nhau hỏi mày khỏe không. Thế là hết đoạn hội thoại. Vì vậy, mình tham gia nhóm đi bộ cùng người bản xứ mỗi thứ bảy và đi nhà thờ vào chủ nhật. Có một bà cụ muốn truyền bá đạo Chúa thêm cho nhiều người nên bà đưa rước mình mỗi chủ nhật. Bà rất ngoan đạo và thân thiện. Thậm chí bà dẫn mình về nhà bà uống trà.

Ở phiên chợ Giáng sinh ở thành phố Edinburgh, Scotland năm 2010 

Bài viết này dựa theo nội dung của how to be a better global citizen

Nguồn tham khảo

https://www.oxfam.org.uk/education/who-we-are/what-is-global-citizenship/

https://www.gvi.ie/blog/7-steps-to-become-a-global-citizen/

https://tuoitre.vn/hanh-trinh-tro-thanh-cong-dan-toan-cau-cua-nguoi-tre-viet-20191111172047051.htm

https://nhandan.com.vn/baothoinay-xahoi/hoi-nhap-voi-chuan-cong-dan-toan-cau-619385/

No comments:

Post a Comment