![]() |
Christmas fruit cake là một loại bánh truyền thống không thể thiếu được trong dịp Giáng sinh ở Châu Âu và Nam Phi |
Ngược với Mỹ và Châu Âu, Giáng sinh ở Nam Phi rơi vào mùa hè. Mùa mà đất trời bao phủ một màu xanh căng tràn nhựa sống. Mùa trăm hoa hẹn nhau khoe sắc. Thế nên Giáng sinh ở đất nước cầu vồng, và cả ở Úc, được gọi với một cái tên rất tượng hình. Giáng sinh “xanh”.
Giáng sinh là một kỳ nghỉ dài và quan trọng nhất trong năm, đánh dấu sự khép lại năm cũ và mở ra năm mới. Giáng sinh là dịp người dân Nam Phi xum họp gia đình, gắn kết yêu thương và quan tâm lẫn nhau qua những món quà và lời chúc mừng Giáng sinh.
Từ giữa tháng mười, các cửa hàng tràn ngập quà và các món trang trí cho Giáng sinh. Các tổ chức phi chính phủ, tổ chức thiện nguyện, nhà dưỡng lão tất bật gói quà Giáng sinh để tặng cho “thần dân” của mình. Sau Giáng sinh, thùng rác của các hộ gia đình đầy vỏ hộp và giấy gói quà, và vật dụng trang trí Giáng sinh không dùng lại được nữa. Bãi rác thì rác nhiều hơn.
Màu chủ đạo của Giáng sinh là màu đỏ. Thế nên nhà nào cũng bài trí đo đỏ. Các trung tâm mua sắm, nhà hàng, khách sạn ngập tràn không khí Giáng sinh lung linh lấp lánh. Đêm đêm, tôi hay dạo một vòng quanh khu nhà giàu ở Brooklyn, Pretoria để ngắm đèn Giáng sinh muôn hình vạn trạn lộng lẫy hun hút trong tầm mắt. Brooklyn còn là nơi hội tụ hơn 130 đại sứ quán, là nơi tập trung các đại sứ quán đứng thứ hai trên thế giới chỉ sau Washington DC. Vì thế các tuyến đường có trụ sở đại sứ quán của các nước châu Âu lộng lẫy lung linh không khí Giáng sinh. Nhưng năm nay thì khác: việc trang trí Giáng sinh kém xinh và lẻ tẻ. Cuộc diễu hành kèn trống rộn ràng và hoá trang rực rỡ thu hút hàng trăm người xem trên phố Lawley, với tên gọi quen thuộc là phố Giáng sinh, bị hủy bỏ do dịch Covid-19.
Về phần trang trí Giáng sinh, tín hiệu đặc trưng rực rỡ của Giáng sinh. Có nhà trang trí. Có nhà không. Điều này tùy vào tôn giáo và thị hiếu của gia chủ. Có người không bài trí chi cả vì cho là lãng phí và không cần thiết. Nhà nào có con trẻ thì trang hoàng bài bản theo truyền thống để giữ nếp. Cả nhà dựng cây thông lên và cùng nhau trang trí cho nó đẹp, đi nhà thờ hát thánh ca, tặng quà Giáng sinh cho nhau. Em hàng xóm bên phải nhà tôi nói chồng trang trí một dàn đèn cô tiên trước nhà để tạo không khí Giáng sinh cho hai cô con gái bé bỏng. Bác hàng xóm sau nhà tôi, đầu tháng 11, bác đem cây Giáng sinh bằng nhựa, bác dùng bao nhiêu cái Giáng sinh rồi bác chẳng nhớ nổi, dựng ở một góc của phòng tiếp khách. Cây Giáng sinh cách tân của bác cao tầm 1m đính đầy những trái châu màu trắng như tuyết và màu xanh dương bừng sáng như bộ váy áo nữ hoàng Anh.
Gia đình tôi chẳng hề trang trí Giáng sinh vì không theo công giáo và trào lưu trang trí Giáng sinh. Thay vào đó, tôi nướng một chiếc bánh fruit cake. Nướng bánh fruit cake là một truyền thống không hề thiếu trong gia đình mà tôi học và hòa nhập nhanh còn hơn học chửi thề bằng tiếng Afrikaans. Một hoạt động mừng Giáng sinh chúng tôi không thể bỏ qua là đi ngắm đèn Giáng sinh. Chúng tôi dạo một vòng ở Brooklyn và Waterkloof để tận hưởng một bữa tiệc màu sắc hình ảnh và ánh sáng đậm chất Giáng sinh.
Trẻ con háo hức trông ngóng Giáng sinh như trẻ con ở Việt Nam mong chờ Tết đến. Các em chộn rộn khui quà Giáng sinh từ ông bà cha mẹ. Con nít sáng ngủ dậy thấy quà dưới chân mình thì hăm hở mừng và tin rằng tối qua Father Christmas đem quà cho chúng. (Ở Nam Phi, ông già Nô-en được gọi gần gũi là Father Christmas.) Chúng đâu biết khi chúng ngủ say thì cha hoặc mẹ rén rút đặt quà lên giường cho chúng.
Con nít bây giờ khôn lắm. Thằng bé 9 tuổi, hàng xóm nhà tôi, nói làm gì có Father Christmas. Nó còn dám chắc rằng người lớn nói có Father Christmas là nói láo. Nó không tin. Khi cô giáo kể về Father Christmas, em thậm chí mạnh dạn nói với cô giáo là Father Christmas không có thật. Báo hại cô giáo phải mét phụ huynh để em được chấn chỉnh suy nghĩ của mình.
Giáng sinh là dịp đoàn tụ gia đình. Nhà nhà sum vầy quây quần bên mâm cơm Giáng sinh thịnh soạn. Một Giáng sinh không món gà tây như ở nước Mỹ. Nhưng nếu ai mừng Giáng sinh theo kiểu Mỹ thì sẽ ăn gà tây. Một buổi tiệc Giáng sinh đậm chất Nam Phi là braai, tiệc nướng thịt ngoài trời, bên cạnh hồ bơi nước trong veo mát lạnh đầy mời mọc. Cánh đàn ông phụ trách nhóm lửa nướng thịt trong khi nhâm nhi thịt khô biltong và lon bia mát lạnh. Cánh phụ nữ dọn bàn ăn, làm salad và pha nước sốt cho các món thịt nướng. Thịt thà nhiều nên phải ăn kèm salad để cân bằng độ béo độ đạm của thịt, ngoài tinh bột là bánh mì nướng roostebrook, bánh mì lát nướng phong cách sandwich, khoai tây hay khoai lang nghiền. Nhà nào không thích nấu nướng dọn dẹp thì kéo nhau ra nhà hàng, nhưng phải đặt bàn trước cả tháng nếu muốn thưởng thức tiệc Giáng sinh ở nhà hàng nổi tiếng. Nhà nào theo tiêu chí tiết kiệm mà vẫn thắt chặt tình thân thì hẹn gặp nhau ở một nhà trong họ và tổ chức một “pot luck party”. Tức là mỗi gia đình mang theo thức ăn đồ uống của riêng mình rồi cùng nhau chia sẻ.
![]() |
Bàn tiệc mừng Giáng sinh theo phong cách thường nhật thân mật |
Trên bàn tiệc Giáng sinh, mỗi chỗ ăn có một Christmas cracker. Trong Christmas cracker có một món quà nho nhỏ, một cái vương miện bằng giấy, và một câu đố kèm theo đáp án hoặc câu chuyện tiếu lâm. Để biết bên trong Christmas cracker của mình có gì, mình phải nhờ người ngồi cạnh mình nắm một đầu của cracker và kéo như kéo co. Kéo nhẹ thôi đủ để cracker bung ra và phát ra tiếng nổ nhẹ như pháo bông cầm tay. Kéo mà mạnh quá thì bạn mình sẽ té lật ghế. Rồi mình đọc to câu đố lên để đố cả nhà hoặc câu chuyện tiếu lâm cho cả nhà cùng thưởng thức. Quà trong cracker thường là quà tượng trưng nho nhỏ xinh xinh, mang mục đích trang trí và tạo niềm vui khui quà. Quà trong cracker của tôi năm 2019 là một vòng đeo chìa khóa. Màu của nó là gì, tôi không cần nói ra bạn cũng đoán được!
![]() |
Christmas cracker và món khai vị trong bữa trưa Giáng sinh |
![]() |
Đáp án của câu đố (riddle) này là 'Because you can't pull their legs'. Đây là câu đố mẹo, một dạng chơi chữ mà ngôn ngữ nào cũng có. Hai cụm 'play jokes' và 'pull someone's leg' có cùng một nghĩa. |
Nói đến Giáng sinh là phải nhắc đến ẩm thực, cụ thể là bánh. Người Đức có bánh Stollen. Người Ý có bánh Panettone. Người Anh có bánh fruit cake. Người Na Uy và Pháp có bánh Yule Log mà người Việt hay gọi là bánh củi vì bánh trông như khúc củi. Ở một quốc gia đa sắc tộc và màu da như Nam Phi, người dân cũng có bánh fruit cake. Tôi tạm dịch là bánh trái cây Giáng sinh và gọi ngắn gọn là bánh Giáng sinh. Tất cả các loại bánh Giáng sinh kể trên đều được bày bán đầy ắp khắp các cửa hàng như thể dân ta bán bánh chưng bánh tét và đủ loại mứt vào dịp Tết cổ truyền.
Dù thành phần bánh có chút biến đổi theo quốc gia, vùng miền và thị hiếu của người nướng, bánh trái cây Giáng sinh thực ra là một loại bánh với thành phần cốt yếu là bột mì và nho khô. Vì thế nếu ai dị ứng hoặc không thích nho khô thì không đụng đến hoặc không nên ăn. Bánh Giáng sinh có vị ngọt nhẹ của nho khô, tiếng sừng sực của trái anh đào tẩm đường, độ béo của bơ và trứng, cùng độ cồn vấn vương của rượu Brandy hoặc rum.
Bánh Giáng sinh khi nướng đượm mùi ngọt thơm tinh túy không lẫn vào đâu được. Hương vị đặc trưng của bánh Giáng sinh khác hẳn với các loại bánh khác như scone, muffin, chocolate brownie, hay banana bread. Khi bánh nướng vừa tới, cả gian bếp thơm lừng. Một Giáng sinh thơm lừng. Mùi thơm phưng phức của bơ, nho khô, trái anh đào, và hạt Nam Việt Quốc len lỏi lên cả tóc và áo của người nướng, chẳng khác gì một loại nước hoa đặc biệt. Ngửi là thèm ăn liền! Đây là điểm cộng mà tôi không trải nghiệm được nếu mua bánh ở cửa hàng. Còn dựng cây thông và trang trí Giáng sinh thì chẳng tận hưởng được cái thơm lừng hiếm có của Giáng sinh.
![]() |
Ổ bánh này mình có trọng lượng 3kg. Gia đình, bạn bè, và hàng xóm đều ghiền ăn và khen nức nở. |
Cũng như bánh trái cây Giáng sinh ở các quốc gia nói trên, bánh trái cây Giáng sinh ở Nam Phi có nhiều phiên bản khác nhau. Gia vị tẩm bánh khác nhau như bột quế, bột cà ri mother-in-law. Thành phần trái cây khô và các loại hạt đa dạng như chà là, hạt óc chó, hạt hạnh nhân, mận khô, hạt hồ đào, hay hạt thông.
Ngay cả cách làm bánh cũng có sự khác nhau. Có người luộc hỗn hợp trái cây khô trong nước sôi trước khi trộn bột mì. Có người tẩm hỗn hợp trái cây khô với rượu brandy qua đêm.
Rượu pha vào bánh Giáng sinh cũng là một đề tài rộng để nói. Có người dùng rượu Brandy. Có người dùng rượu Rum. Có người dùng rượu Sherry. Riêng tôi, tôi thích dùng rượu brandy hơn. Rượu brandy mang lại hương vị truyền thống, cổ điển và thơm phưng phức.
Ngoài phần để riêng ướp bánh, rượu brandy còn được rưới lên bánh sau khi bánh đã ra lò. Rượu Brandy giúp tăng hương vị cho bánh, tạo độ mềm và ẩm cho bánh. Ngoài ra, nó còn là chất bảo quản tự nhiên giúp bánh ngon và đằm hơn cả tháng mà không cần tủ lạnh. Ông xã tôi là người rưới thêm rượu brandy, khoảng 60ml mỗi lần trong ba ngày, lên bánh. Nhiệm vụ của tôi chỉ là nướng bánh và thưởng thức. Xét ra chồng tôi cũng góp công làm nên chiếc bánh Giáng sinh huyền thoại. Người nướng kẻ rưới.
Sau khi tìm kiếm rồi săm soi nhiều công thức bánh trái cây Giáng sinh ở Úc, Anh, và Nam Phi, tôi chọn công thức bánh của tập đoàn Woolworths. Woolworths là một chuỗi siêu thị tiếng tăm dành cho dân trung lưu trở đi ở Nam Phi, cung cấp và sản xuất nhu yếu phẩm an toàn chất lượng. Woolworths còn xuất bản tạp chí ẩm thực Taste, được nhiều bà nội trợ yêu thích, mà tôi hay mua. Tôi chọn phiên bản bánh trái cây Giáng sinh này vì công thức chuẩn vị truyền thống với nguyên liệu đơn giản dễ tìm. Do vậy, bánh dễ chế biến cho một người đến từ nền văn hóa lúa nước chỉ biết bột gạo với đường, còn bột mì, bột nở, và bơ là “vật thể bay” bí hiểm như tôi.
Công thức bánh này có mother-in-law spice, loại bột cà ri do người Ấn Độ ở thành phố biển Durban pha trộn. Thành phần chính của bột cà ri này là bột rau mùi. Nhưng nó đanh đá như mẹ vợ mẹ chồng là do sự kết hợp của vô số các loại gia vị khô như: hạt thì là Ai Cập, thì là Ba Tư, thì là tây, nhục đậu khấu, lá nguyệt quế, đinh hương, hoa hồi, thảo quả, bạch đậu khấu, nghệ, và ớt. Nói về tên gọi lạ lùng hiếm thấy của bột cà ri này, không ai rõ tại sao nó có tên như thế. Nhưng bột cà ri này nhuộm màu đỏ đất đậm đà ấm áp, có vị cay xé lưỡi, toả hương vừa thơm vừa nồng. Lỡ hít sâu bột cà ri này để ngửi xem mùi nó ra sao là ho húng hắng. Tựu chung, sắc vị và hương hợp với cái tên ngồ ngộ mà tôi tin chắc rằng ai đọc qua một lần sẽ nhớ dài lâu.
Tìm được công thức bánh, nhưng tôi ít khi trung thành với công thức gốc. Tôi cắt giảm và bỏ bớt nguyên liệu. Tiêu chí làm bánh như thế này của tôi bị ảnh hưởng bởi cách ăn uống cẩn thận và lối sống “ít mà chất” (less is more). Càng đơn giản, càng nhẹ nhàng. Thế thì tại sao không khi tôi có thể. Dẫu sao công thức gốc là căn bản cho ta biết nên cần gì làm gì. Tôi dùng đường nâu thay vì đường trắng. Đường nâu tạo hương vị đậm đà và màu bánh đằm hơn. Tôi giảm đường vì không hảo ngọt. Tôi cắt bơ vì không thích ăn béo quá. Và sự cắt giảm này làm cho bánh cân bằng tất cả các hương vị. Tôi bỏ hẳn bột cà ri Mother-in-law cho đơn giản các nguyên liệu. Có lần tôi rắc một ít bột gia vị này vào, bánh có vị rất lạ, kiểu Tây không ra Tây Ta không ra Ta. Thế nên kể từ lần duy nhất đó, tôi vĩnh viễn chia tay bột cà ri Mother-in-law khi làm bánh Giáng sinh.
Sau đây là công thức bánh trái cây Giáng sinh mà tôi nôn nao nướng vào mỗi dịp Giáng Sinh.
![]() |
Mình trung thành với công thức bánh mà mình biến đổi chút ít qua bao năm nay |
![]() |
Dòng rượu brandy tầm trung của Nam Phi mà mình thường tẩm cho bánh Giáng sinh. Mỗi lần nướng bánh, mình mua loại rượu brandy khác nhau. Không năm nào trùng lấy năm nào. |
Sau khi nướng xong, tôi thường không cắt bánh ăn liền trong ngày hôm đó. Tôi để bánh nghỉ đến ngày hôm sau, và chỉ cắt bánh sau khi bánh ngậm đợt rượu brandy thứ hai. Kết quả đáng sự chờ đợi: bánh đậm đà hương vị. Bánh để càng lâu càng đằm, càng mềm, càng thơm nhờ vào những nụ hôn rượu Brandy cháy bỏng nồng nàn.
Mùa Giáng sinh này, các bạn hãy nướng một chiếc bánh trái cây Giáng sinh đi nhé. Không gì ngon bằng bánh nhà làm.
![]() |
Có ngon không nào! |
Chúc các bạn nướng được một chiếc bánh trái cây giáng sinh như ý. Và hưởng một mùa Giáng sinh vui vẻ đầm ấm cùng gia đình trong thời điểm đầy ‘biến động’ này.
Dịch covid-19 tháng 10 năm 2020