Stirling, Nước Anh Và Những Hoài Niệm Dấu Yêu

Nhắc đến Stirling, một thành phố nhỏ bình yên ở Scotland, thì không thể không nhắc đến các di tích lịch sử như tháp Wallace huyền bí, lâu đài Stirling cổ kính, và Bannockburn hào hùng. Đó là niềm tự hào của người dân xứ Scotland.  Đối với một du học sinh Việt Nam như tôi thì điều khác làm tôi thấy thú vị và có những kí ức sâu sắc hơn mà suốt cuộc đời này tôi sẽ không bao giờ quên được. Sự thay đổi kì diệu của thiên nhiên cùng con người dể mến, hoà đồng và những trải nghiệm quí giá mà không phải ai cũng có được cứ vương vấn mãi trong tôi.

Hoa Thủy Tiên trước khu kí túc xá tôi tá túc. Khu kí túc xá này nằm trong khu vực người bản xứ sống cách trường tôi khoảng 15 phút đi bộ

Làm sao quên được mùa hoa bất tận ở Stirling sao bao ngày giá lạnh và tuyết rơi trắng xóa khắp núi đồi ngọn cỏ. Đầu tiên là nàng hoa giọt tuyết trắng muốt e ấp, dịu dàng nở úp xuống mặt đất đầy lá khô.  Phải chăng hoa giọt tuyết là lời chia tay của bà chúa Tuyết đối với những người yêu mùa đông và là thông điệp nhường ngôi vị chí tôn cho nữ hoàng Mùa xuân. Tiếp đến là hoa thủy tiên vàng rồi sắc đào hồng lung linh trong ánh nắng xuân ấm áp. Hoa đỗ quyên đủ màu tím, hồng, đỏ và vàng có tên tiếng Anh mà khi đánh vần bạn khó mà ghi nhanh được: rhododendron. Bạn tôi nói rằng hoa này có xuất xứ từ Trung Quốc và sức sống của nó rất mạnh trên đất Anh. Vì vậy không ai ngạc nhiên khi thấy hoa đỗ quyên ngự trị khắp nơi từ vườn hoa nhà ai đến rải rác khắp sườn đồi và các lối đi trong rừng. Hoa chuông xanh tím biếc bao phủ cả một vùng trời. Tôi đã đi dạo một mình trong rừng hoa chuông xanh ở trường đại học Stirling của tôi hơn nữa giờ mà ngẩn ngơ không muốn rời bước.  Tôi như lạc vào một thiên đường đầy sắc tím với lối đi uốn cong mềm mại và thơ mộng. Hoa thạch anh tim tím dịu dàng phủ khắp lưng chừng đồi vùng cao nguyên Scotland vào tháng năm làm xao động lòng người viễn khách độc hành như tôi.

Lối đi ngập lá khô trong rừng hoa chuông xanh nơi trường tôi theo học

Ghế rêu xanh vắng bóng người. Chỉ có hoa chuông xanh cười cùng cỏ non mượt mà

 
Hoa thạch anh (heather) dịu dàng bên hai chị em xinh đẹp Gearr Aonach và Aonach Dubh đầu chít khăn mây thuộc núi Ba chị em (Three Sisters) ở Glencoe

Và đây nữa sắc thắm kiêu sa của những đóa hồng mà tôi luôn ngắm vào mỗi buổi chiều chạy bộ quanh Bridge of Allan nơi tôi sống. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy hoa hồng nào đẹp và thơm như thế. Một mùi thơm nhẹ nhàng, phảng phất. Tôi thầm hỏi đó có phải là mùi thơm của hoa hồng trong tác phẩm “Trà Hoa Nữ’ không nhỉ. Còn gì thích thú cho bằng khi chạy bộ lúc hơn tám giờ tối mà trời vẫn còn sáng để ngắm nàng hồng của lòng tôi và hít thật sâu mùi thơm dìu dịu của chúng. Tôi đã tận dụng nhặt cả những cánh hồng rơi đem về cho thơm phòng ngủ, một căn phòng đầy cánh hoa như đang ở thiên đường. Những cánh hoa phớt hồng làm tôi nhớ đến những cánh sen hồng quê tôi là liệu pháp giúp tôi thư giãn và xoa dịu nỗi nhớ quê nhà.

Làm sao quên được những chuyến đi về miền quê với cô bạn thân để xua đi sự mệt nhọc, căng thẳng trong học tập. Khung cảnh hai bên đường như đưa tôi vào cực lạc. Con đường uốn lượn lên xuống mang lại cho tôi cảm giác như tôi đi đến chân trời. Tôi có thể ngắm đàn cừu trắng đang gặm cỏ trên bãi cỏ xanh xanh ở sườn đồi, hay các cuộn rơm lúa mì vàng ươm được xoe tròn đẹp mắt trên nền trời xanh thăm thẳm. Làm sao quên được chuyến đi bộ tình nguyện hơn 10 dặm quanh hồ Katrine đẹp nên thơ để ủng hộ trẻ em bị ung thư. Tôi vừa đi vừa ngắm bầu trời cao xanh vời vợi cùng những bông mây trắng mà lòng rộn ràng một niềm vui khó tả.  Niềm vui làm một việc tốt nhỏ nhoi trên đất nước phồn thịnh nhưng vẫn còn những người khó khăn cần lắm một tấm lòng vàng. Đó là chuyến đi bộ dài nhất và đẹp nhất trong cuộc đời tôi.
Hồ Katrine (Lock Katrine). Hồ được hàng ngàn khách du lịch biết đến nhờ bài thơ ‘Lady of the Lake’ do ngài Walter Scott sáng tác

Nhớ anh hướng dẫn viên người Scotland kiêm tài xế dí dỏm thông minh nhưng rất chuyên nghiệp. Anh kể cho đoàn chúng tôi gồm 15 người từ khắp nơi trên thế giới về mọi nơi mà chúng tôi đi qua, từ Edinburgh đến đảo Skye, rất thành thạo.  Nhớ những người bạn trong nhóm đi bộ cùng tôi sải bước lên sườn đồi và hòa mình vào thiên nhiên xanh tươi dịu mát ở Stirling vào mỗi sáng thứ bảy. Chắc hẳn họ sẽ buồn khi tôi không tham gia với họ nữa bởi tôi luôn tò mò hỏi họ nhiều điều mà tôi thấy. Có khi gặp vài người tản bộ đi ngược chiều, dù không biết nhau nhưng họ vẫn mỉm cười và nói ‘xin chào’. Sự thân thiện của họ và không khí mát lạnh giúp tôi đi bộ đều đặn. Tôi nhận ra rằng người Anh rất yêu thiên nhiên và trân trọng lịch sử. Họ reo lên vui sướng khi tình cờ nhìn thấy một con diệc và ngắm nó cho đến khi nó bay đi vì hiếm khi được nhìn thấy nó. Họ kể cho tôi nghe về lịch sử của những nơi mà chúng tôi đi qua. Điều đó khiến tôi thích thú khám phá và không bao giờ chán dù có đi lại trên đoạn đường đó lần thứ hai.

Xa rồi nước Anh nhưng tôi nhớ mãi những kỉ niệm ngọt ngào ở đây. Những chuyến tàu lửa và xe buýt đường dài hợp túi tiền sinh viên băng qua khắp vùng quê đẹp như tranh đưa tôi đến biết bao thành phố đẹp mê hồn. Đây thành phố Bath cổ kính cùng dòng sông Avon huyền thoại êm đềm chảy mãi theo thời gian. Đây thành phố Birmingham tráng lệ về đêm với các khu mua sắm thời trang bận rộn không kém gì London. Thành phố Liverpool luôn văng vẳng tiếng reo hò cổ vũ cuồng nhiệt của người hâm mộ bóng đá. Làm sao không nhớ được những chuyến đi đến St. Andrew, Stonehaven và đảo Illay. Tôi đi dạo dọc theo bãi biển xanh biếc vắng người, hòa mình vào sóng biển rì rào mặc cho làn gió biển mát lạnh hôn lên má và tóc tôi. Biển mênh mông. Tôi thì nhỏ bé. Một nỗi buồn man mác xâm chiếm tâm hồn hoang dại của tôi. Và tôi yêu biển từ dạo đó.
Lâu đài Dunnottar hùng vĩ và cheo leo thách thức với thời gian ở Stonehaven, Aberdeen, Scotland

Làm sao không nhớ được cảnh núi non hùng vĩ chập chùng, ‘núi ấp ôm mây, mây ấp núi’ ở núi Cuith-raing và đỉnh Three Sisters. Dù vào thành phố, lên núi, xuống biển, đâu đâu tôi cũng gặp những con người tốt bụng, và lịch sự.  Câu nói mà tôi nghe nhiều nhất mà khi về Việt Nam tôi vẫn nói như thế là hai tiếng ‘cảm ơn’ và ‘xin lỗi’. Người Anh luôn nói cảm ơn khi lên xuống xe buýt và khi nhận bất cứ cái gì từ ai dù là họ bỏ tiền ra mua. Họ nói xin lỗi khi đi xém va vào người khác hoặc khi tôi hỏi đường mà họ không biết kèm theo nụ cười nhẹ nhàng làm ấm lòng người xa xứ như tôi.

Stirling, nước Anh đã mang lại cho tôi bao hạt giống quý báo mà chỉ có người trồng mới thu hoạch được. Đó là hạt giống của sự tự lập, của sự yêu thương, của tri thức, và hạt giống của sự lạc quan tin tưởng vào ngày mai tươi đẹp.  Nước Anh với những ngày mưa nhiều hơn là nắng ấm nhưng con người tốt bụng, lịch thiệp, tao nhã theo phong cách hoàng gia là mảnh đất đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi thành một con người đúng nghĩa. Một năm ở Anh không dài nhưng đủ để tôi nhận ra mình là ai và mình cần phải làm gì. Tôi tin rằng, cũng như tôi, bạn sẽ thu được những hạt giống của riêng mình để đem về gieo trên mảnh đất quê hương Việt Nam.  ‘Sống là cho đâu chỉ nhận cho riêng mình’. 
 HNM
06/ 2013

Đây là bài viết tham gia cuộc thi Nước Anh Trong Mắt Tôi năm 2013. Cuộc thi gồm thi ảnh ảnh và viết nhân dịp kỷ niệm 20 năm mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh, cho những ai đã từng sống, làm việc và học tập tại Anh.